Chào chuyên mục, bố mẹ em đi khám sức khỏe thì bố em được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm nhẹ. Bố em được chỉ định vật lý trị liệu, sau này có thể điều trị giảm áp đĩa đệm. Trong khi em thấy nhiều người bị thoát vị đĩa đệm phải mổ. Xin giải đáp giúp em thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ là sao, chữa như thế nào? Trường hợp của bố em có cần lưu ý những vấn đề gì không?

(Bích Nhung, Phú Nhuận)

Chào bạn

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp khá phổ biến ở nước ta trong độ tuổi từ 35 – 55 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa do các tác động của môi trường sống, làm việc ngày càng dồn dập. Thoát vị đĩa đệm có hai dạng là thoát vị đĩa đệm cột sống lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Bệnh sẽ tiến triển lần lượt từ giai đoạn nhẹ đến giai đoạn nặng. Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết về thoát vị đĩa đệm giai đoạn nhẹ và cách điều trị phù hợp để có hướng xử lí chủ động hơn đối với căn bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ

Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ là gì?

Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ là giai đoạn đầu của bệnh thoát vị đĩa đệm. Trong giai đoạn này, đĩa đệm thường có dấu hiệu phồng, lồi, biến dạng nhưng chưa dẫn đến đứt, rách vòng bao xơ hoặc chỉ mới có dấu hiệu nứt nhẹ. Phần nhân nhầy vẫn nằm trong bao xơ và chưa thoát ra ngoài. Vị trí đĩa đệm giữa hai đốt sống của bệnh nhân có thể xê dịch nhẹ.

Đây là dạng thoát vị đĩa đệm dễ điều trị nhất. Tuy nhiên do đặc điểm của thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ là rất ít dấu hiệu nhận biết. Nếu có thì các dấu hiệu cũng rất mơ hồ, thoáng qua. Bệnh nhân dễ nhầm lẫn với những dấu hiệu đau lưng, nhức mỏi do sinh hoạt thông thường hằng ngày. Các bác sĩ đã ghi nhận trên thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân vô tình phát hiện được thoát vị đĩa đệm nhẹ nhờ kiểm tra sức khỏe định kỳ và khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bao gồm CT, MRI,… Do đó hầu hết bệnh nhân thường phát hiện thoát vị đĩa đệm khi đã có những cơn đau nặng và xảy ra tình trạng chèn ép vào các rễ thần kinh cột sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, vận động của người bệnh.

Đừng chủ quan khi bị thoát vị đĩa đệm nhẹ

Thoát vị đĩa đệm nhẹ hầu như không gây ra những xáo trộn về sức khỏe cho bệnh nhân như những giai đoạn thoát vị nặng. Tuy nhiên bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nhẹ tuyệt đối không nên chủ quan vì bệnh vẫn có thể tiến triển năng hơn nếu như không có sự can thiệp phù hợp và đúng lúc. Càng để lâu, việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy khi đã phát hiện các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân nên chú ý điều trị càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

dấu hiệu thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ
Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ thường có các dấu hiệu thoáng qua, khó nhận biết.

Điều trị thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ

Chữa thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ tương đối đơn giản hơn so với các giai đoạn nặng. Ở thoát vị đĩa đệm độ I, II (phình, lồi đĩa đệm, thoát vị dưới dây chằng dọc sau) là những trường hợp thường được chỉ định điều trị bảo tồn để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị bảo tồn là ngăn chặn không để thoát vị đĩa đệm có cơ hội tiến triển nặng hơn, giúp khối thoát vị quay trở lại vị trí ban đầu, áp dụng các phương pháp nâng cao sức khỏe xương khớp cho bệnh nhân.

Những phương pháp chính thường được áp dụng trong điều trị bảo tồn như:

  • Điều trị vật lý trị liệu đơn thuần bằng các phương pháp dùng nhiệt nóng, dùng xung điện, phương pháp kéo giãn cột sống để giúp đưa đĩa đệm về vị trí ban đầu.
  • Kết hợp điều trị với các thuốc giảm đau như mobic, mydocalm, paralys, neurobion, novocain,… một số thuốc tiêm ngoài màng cứng khác.
  • Sử dụng đai thắt lưng.
  • Nghỉ ngơi và sinh hoạt khoa học để tránh ảnh hưởng đến tiến độ điều trị và phục hồi.

Sau khi tiến hành điều trị bảo tồn, tình trạng sức khỏe bệnh nhân sẽ được đánh giá theo thang điểm LS. Đối với những trường hợp sức khỏe tốt và vừa, hiệu quả điều trị đạt từ 50% trở lên sẽ được tiếp tục điều trị bằng vật lý trị liệu. Những trường hợp bệnh nhân trong quá trình điều trị có diễn tiến bệnh nặng hơn, tình trạng sức khỏe xấu đi, không đáp ứng với điều trị bảo tồn sẽ được các y bác sĩ xem xét áp dụng các biện pháp điều trị khác. Trong đó điều trị bằng phẫu thuật được xem là giải pháp cuối cùng nếu các phương pháp điều trị khác không giúp đem lại kết quả khả quan cho bệnh nhân.

điều trị thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ
Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ có thể được điều trị bảo tồn, không cần thực hiện phẫu thuật

Lưu ý dành cho bệnh nhân điều trị thoát vị đĩa đệm:

Thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ bên cạnh việc điều trị, bệnh nhân cũng cần tuân thủ một số lưu ý trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, bao gồm các yếu tố:

  • Giữ đúng tư thế sinh hoạt, làm việc một cách khoa học dù ở lứa tuổi nào. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân tránh được tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn mà còn giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải các bệnh cột sống khác như cong vẹo cột sống, gù lưng, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa đốt sống,…
  • Hạn chế các vận động nhanh, xoay người đột ngột, bất ngờ,… Những tư thế này không chỉ có hại cho đĩa đệm của bạn mà còn làm tăng nguy cơ gặp phải các chấn thương dây chằng, các cơ quanh cột sống.
  • Bệnh nhân đang điều trị thoát vị đĩa đệm cũng cần tránh khuân vác các vật nặng, sai tư thế vì có thể dẫn đến những cơn đau cấp cũng như khiến bệnh diễn tiến xấu đi.
  • Không đứng, ngồi quá lâu vì những tư thế này sẽ góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống và đĩa đệm của bạn. Mỗi 45 phút – 1 giờ bạn nên thay đổi tư thế 1 lần, có thể giải lao ngắn và vận động nhẹ nhàng để các cơ không bị căng cứng.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt cần điều độ, lành mạnh để bảo vệ sức khỏe cột sống.

Nhìn chung thoát vị đĩa đệm dạng nhẹ là mức độ ít nguy hiểm nhất của bệnh thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh những ảnh hưởng về lâu về dài cho sức khỏe. Trong quá trình điều trị cần lưu ý bảo vệ sức khỏe thật tốt để nâng cao sức khỏe cũng như giúp quá trình điều trị có kết quả tốt nhất.

❢ Bạn nên tham khảo:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*