Xin chào bác sĩ. Tôi năm nay 66 tuổi, đã nghỉ hưu. Thời gian gần đây tôi hay yếu và đau nhức lưng. Tôi có đi khám thì bác sĩ kết luận là thoát vị đĩa đệm độ 1. Xin hỏi bệnh có bao nhiêu mức độ. Tình trạng hiện nay của tôi ra sao? Cần phải làm gì?
(Quốc Trung, Buôn Mê Thuột)

Giải đáp:
Chào bác. Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Đối với tình trạng của bác, xin được tư vấn một số thông tin sau:
Sơ lược về thoát vị đĩa đệm
Về cấu tạo, đĩa đệm của chúng ta gồm có bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Riêng phần bao xơ bên ngoài đĩa đệm được cấu tạo từ các vòng sợi. Chúng có độ dai và chắc chắn để bảo vệ lấy nhân nhầy. Cũng bởi độ dai và có tính đàn hồi, đĩa đệm giúp chúng ta phân tán lực khi vận động. Qua đó giúp cho các đốt sống không va vào nhau tránh gây đau đớn.
Khi tuổi cao, cấu trúc của bao xơ cũng theo đó suy yếu đi. Điều này khiến cho bao xơ dễ rách. Khi đó, nhân nhầy sẽ thoát ra qua vị trí rách và gây chèn ép rễ thần kinh cột sống. Điều này khiến cho bệnh nhân gặp phải những cơn đau.
Thoát vị đĩa đệm độ 1 là gì?
Các chuyên gia chia tình trạng thoát vị đĩa đệm làm 4 mức độ tiến triển.
Giai đoạn 1 và 2
Hai giai đoạn đầu, đĩa đệm chỉ mới biến dạng. Lúc này tình trạng bao xơ vẫn còn giữ được nhân nhầy bên trong. Xung quanh bao xơ chưa bị rách. Bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng đau nhức nhẹ. Cơn đau cũng không dồn dập mà thỉnh thoảng mới xuất hiện. Đây là giai đoạn thuận lợi nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn này còn khá mơ hồ. Bệnh nhân dễ nhầm lẫn với tình trạng đau nhức thông thường trong sinh hoạt hằng ngày.
Giai đoạn 3 và 4
Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn 3 và 4, xung quanh bao xơ đã có tình trạng rách. Lúc này một phần đĩa đệm bắt đầu thoát khỏi bao xơ. Chúng sẽ gây ra sự chèn ép lên các rễ thần kinh tủy sống. Bệnh nhân ở giai đoạn này sẽ gặp những cơn đau nặng hơn. Tần suất cơn đau diễn ra thường xuyên hơn. Bên cạnh những cơn đau, tình trạng chèn ép nặng cũng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của bệnh nhân. Những trường hợp nặng có nguy cơ bị liệt. Trường hợp bệnh nhân quá nặng có thể phải áp dụng phẫu thuật.
Giải pháp:
Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp điều trị phù hợp. Đối với tình trạng của bác, khối thoát vị đĩa đệm chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, vật lý trị liệu, dùng các tia, bước sóng,… để điều trị.
Bác cần thăm khám và theo dõi tại các cơ sở, chuyên khoa xương khớp để có những chỉ định phù hợp nhất. Bên cạnh đó, việc rèn luyện để giữ gìn sức khỏe, chế độ ăn uống bổ sung canxi cũng rất cần lưu ý trong quá trình điều trị bệnh. Chúc bác sớm điều trị khỏi bệnh và có nhiều sức khỏe.
❢ Bạn nên tham khảo:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!