Trang Chủ » Thoát vị đĩa đệm » Quy trình và cách khám thoát vị đĩa đệm
Quy trình và cách khám thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bệnh lý có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, công việc và những sinh hoạt hằng ngày. Về lâu dài, bệnh còn có thể để lại nhiều di chứng nếu bạn không can thiệp. Làm thế nào để chúng ta biết được mình đã mắc thoát vị đĩa đệm? Quy trình và cách khám thoát vị đĩa đệm ra sao? Dưới đây là một số vấn đề mà bạn cần đặc biệt lưu ý.
Quy trình và cách khám thoát vị đĩa đệm
1.Một số thủ tục khi tiếp nhận bệnh nhân
Những bệnh nhân thăm khám thoát vị đĩa đệm sẽ được hướng dẫn mọt số thủ tục trước khi khám, trong đó có các thủ tục giúp bác sĩ nắm được thông tin bệnh nhân và các dấu hiệu ban đầu khi thăm khám. Bạn có thể được hỏi về một số vấn đề như:
- Thông tin của bạn.
- Triệu chứng đau mà bạn gặp phải là gì? Đó là cơ đau nhói hay cơn đau tê.
- Khu vực nào trên cơ thể bạn bị đau nhất?
- Tiền sử bệnh lý của bạn cũng có thể giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ về tình trạng bệnh hiện tại của bạn.
- Ngoài ra bác sĩ có thể hỏi về công việc hiện tại của bạn, hiện nay có nhiều công việc tiềm ẩn nguy cơ thoát vị đĩa đệm và các bệnh xương khớp khác do hoạt động sai tư thế.

2.Thăm khám
Sau khi nắm được một số thông tin của bệnh nhân, bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe bằng cách cho bệnh nhân thực hiện một số thăm khám sơ bộ như:
- Kiểm tra phản xạ của bệnh nhân.
- Kiểm tra đánh giá sức mạnh của các cơ.
- Quan sát dáng đi của bệnh nhân. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, nhất là thoát vị đĩa đệm nặng có dáng đi không được thẳng.
- Khám cột sống có dấu hiệu mất đường cong sinh lý.
- Kiểm tra khả năng kết hợp, đi lại và giữ thăng bằng của cơ thể.
- Kiểm tra xúc giác với các tác động nhẹ tại nhiều vùng trên cơ thể, đặc biệt là những khu vực có dây thần kinh cột sống, thần kinh cảm giác đi qua.
- Kiểm tra chuyển động đầu, tay chân bằng cách xem xét mức độ giơ tay hoặc giơ chân của bệnh nhân cũng giúp xác định những dấu hiệu ban đầu của thoát vị đĩa đệm. Đặc biệt là khi bệnh nhân có cảm giác đau, tê bại, cảm giác kiến bò, kim châm khi thực hiện.
3.Chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hình ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc thăm khám thoát vị đĩa đệm. Thực hiện các xét nghiệm hình ảnh sẽ giúp bác sĩ loại trừ được những khả năng khác gây đau cũng như giúp phân biệt giữa những bệnh lý có đặc điểm tương đồng nhau.
Trước khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh, cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu nằm trong số những trường hợp sau: bạn đang mang thai, đang có thiết bị cấy ghép trong cơ thể, các vật cấy ghép kim loại, một số thiết bị hỗ trợ khác.
Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:
- Phương pháp chụp X – quang: Đây là cách để bác sĩ xác định các vấn đề về xương khớp cột sống đến từ chấn thương, gãy xương hay do nhiễm trùng, u bướu gây ra. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm tủy đồ đồng thời chụp X – quang cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của thuốc nhuộm được đưa vào dịch tủy để giúp quan sát hình ảnh trên phim chụp X – quang rõ hơn. Qua đó xác định được vị trí các đĩa đệm có gây chèn ép lên dây thần kinh hay không.
- Phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cũng là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán nhiều vấn đề về xương khớp. Tương tự như X – quang, phương pháp này cũng sử dụng tia X để chụp liên tiếp vào vùng tổn thương. Quá trình chụp không gây đau. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn trước khi chụp khoảng vài giờ, thuốc cản quang cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết. Đồng thời khi bệnh bệnh nhân chụp có thể cần nín thở một thời gian. Thực hiện CT scan mất khoảng 20 – 30 phút cho một lần thực hiện.
- Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho độ chính xác cao nhất trong số các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay. Tuy nhiên phương pháp này có chi phí khá cao nên chỉ được thực hiện nếu thực sự cần thiết. Kỹ thuật cộng hưởng từ cho phép bác sĩ nhận biết được chính xác đĩa đệm nào đang bị thoát vị cũng như nhận biết các dây thần kinh nào có thể bị chèn ép. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể mất từ 30 – 90 phút tùy theo vị trí chụp và độ phức tạp của mỗi trường hợp bệnh nhân.

4.Khảo sát dẫn truyền thần kinh (nerve tests)
Không phải trường hợp bệnh nhân nào cũng được thực hiện khảo sát dẫn truyền thần kinh (nerve test). Khảo sát này thường áp dụng cho những bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương tại các dây thần kinh. Lúc này bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm khảo sát dẫn truyền thần kinh và đo điện cơ (electromyogram).
- Trong khảo sát dẫn truyền thần kinh, bác sĩ có thể dùng xung điện nhỏ để biết tín hiệu truyền đến các cơ có tốt hay không.
- Đồng thời, với kỹ thuật đo điện cơ, bác sĩ có thể dùng một kim mỏng châm vào cơ thể để đo các xung điện được truyền đến.
Thực hiện khảo sát dẫn truyền thần kinh có thể khiến bệnh nhân gặp một số khó chịu tạm thời.
Hướng giải quyết sau khi khám thoát vị đĩa đệm
Tùy theo kết quả khám mà sẽ có những hướng giải quyết, can thiệp khác nhau cho bệnh nhân.
1.Bệnh nhân không mắc thoát vị đĩa đệm
Trường hợp bệnh nhân đau nhưng không phải do thoát vị đĩa đệm thì tùy theo diễn biến sức khỏe mà có những can thiệp riêng. Một số bệnh nhân có thể chỉ bị đau do vận động quá sức gây căng cơ, dây chằng,… thì chỉ cần nghỉ ngơi và sử dụng thuốc. Nhưng cũng có một số trường hợp bệnh nhân bị đau do các bệnh lý về cơ xương khớp khác thì sẽ áp dụng những hướng điều trị riêng biệt cho từng trường hợp bệnh nhân.
2.Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm giai đoạn nhẹ
Đây là giai đoạn có thể áp dụng nhiều hướng điều trị khác nhau, hầu hết là điều trị bảo tồn. Bác sĩ có thể gợi ý bệnh nhân áp dụng vật lí trị liệu, kéo giãn cột sống, châm cứu, xoa bóp,… kết hợp sử dụng một số loại thuốc giảm đau, cải thiện sức khỏe và nghỉ ngơi hợp lí.

3.Trường hợp thoát vị đĩa đệm vừa và nặng
Những trường hợp này thường khó điều trị hiệu quả bằng các phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên bác sĩ vẫn sẽ ưu tiên cho bệnh nhân điều trị bảo tồn trước nếu vẫn còn hi vọng phục hồi. Trong trường hợp bệnh đã tiến triển quá nặng, điều trị bảo tồn không đem lại kết quả khả quan, nguy cơ biến chứng lên cột sống cao thì cần điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật can thiệp.
Trên đây là một số thông tin bạn cần biết về quy trình và cách khám thoát vị đĩa đệm. Nếu có dấu hiệu thoát vị đĩa đệm hoặc những dấu hiệu bất thường về cơ xương khớp bạn nên đến khám sớm để có hướng điều trị kịp thời và phù hợp nhất. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.
❢ Bạn nên tham khảo:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!