Cho tôi hỏi phương pháp cấy chỉ có tốt không, có đau không? Tôi đi khám bệnh thoát vị đĩa đệm thấy nhiều bệnh nhân cho biết họ đang dùng phương pháp cấy chỉ nhưng tôi chưa biết nhiều về phương pháp này. Tôi đang bị thoát vị độ 2 và tập vật lí trị liệu, tôi có nên áp dụng thêm phương pháp này hay không?

(Hữu Hoàng, Bà Điểm, Hóc Môn)

Chào bạn

Hiện nay, phương pháp cấy chỉ là một trong những phương pháp điều trị thoái hóa – thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng theo Y học cổ truyền dùng cho nhóm bệnh nhân có các cơn đau cấp, đau mạn tính. Để hiểu rõ hơn về phương pháp cấy chỉ, bạn cần nắm rõ một số vấn đề sau.

Phương pháp cấy chỉ có tốt không, có đau không?
Phương pháp cấy chỉ chữa thoát vị đĩa đệm

Phương pháp cấy chỉ có tốt không?

Phương pháp cấy chỉ trong Đông Y là một trong những giải pháp giúp bạn cải thiện các bệnh lý liên quan đến cột sống, bao gồm thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hiện tại phương pháp này được ứng dụng tại nhiều bệnh viện điều trị theo phương pháp y học cổ truyền. Hiệu quả của phương pháp cấy chỉ khá tốt trên những bệnh nhân đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm – theo ghi nhận của Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM.

Cấy chỉ là gì?

Cấy chỉ hay còn gọi đầy đủ là nhu châm, cấy chỉ là phương pháp sử dụng chỉ y khoa, thường là chỉ catgut (protein) có khả năng tự tiêu, cấy vào các huyệt trong cơ thể. Chỉ sẽ ở trong các huyệt từ 15 – 20 ngày trước khi tự tiêu. Khi chỉ được cấy vào các huyệt và kết hợp với châm cứu sẽ giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn, điều hòa hoạt động của các cơ quan tạng phủ trong cơ thể bạn, từ đó đem lại các lợi ích như giảm đau, giảm co thắt các cơ.

Bên cạnh đó, khi cơ thể lưu thông máu tốt hơn sẽ giúp tăng cường dinh dưỡng tại khu vực tác động, giúp chuyển hóa các chất đạm, đường một cách hiệu quả hơn, hạn chế các kích ứng thông qua miễn dịch cho cơ thể, giảm những ảnh hưởng do quá trình lão hóa gây ra đồng thời chống lại tình trạng viêm rễ thần kinh do chèn ép.

Tùy theo tình trạng bệnh lý, vị trí đau mà thầy thuốc lựa chọn các huyệt phù hợp để thực hiện châm cứu, bao gồm:

  • Thoái hóa – thoát vị mà chưa có chèn ép thần kinh và mạch máu: cấy vào các huyệt tại chỗ giúp giảm đau và tăng cường nuôi dưỡng vùng cột sống thắt lưng: huyệt Thận du, Đại trường du, Giáp tích L4-5, Giáp tích L5-S1.
  • Tình trạng thoái hóa có chèn ép rễ thần kinh: huyệt Thận du, Đại trường du, Giáp tích L4-5, Giáp tích L5-S1.
  • Bệnh nhân có chèn ép mặt trước ngoài chân: thêm các huyệt Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Quang minh, Tuyệt cốt…
  • Bệnh nhân bị chèn ép mặt sau đùi – cẳng chân, bàn chân: thêm các huyệt Trật biên – Thừa phù – Ân môn – Thừa sơn – Côn lôn.
ThS.BS. ĐỖ TÂN KHOA (Trưởng khoa Khám BV. Y học Cổ truyền TP.HCM - cay chi vao cot song co tot khong
“Tùy vào tình trạng bệnh lý và vị trí đau mà bác sĩ sẽ lựa chọn các huyệt phù hợp để thực hiện cấy chỉ”. ThS.BS. Đỗ Tân Khoa (Trưởng khoa Khám BV. Y học Cổ truyền TP.HCM)

Chỉ định

Phương pháp cấy chỉ thường chỉ định cho các trường hợp như:

  • Bệnh nhân thoái hóa – thoát vị cột sống thắt lưng đơn thuần.
  • Bệnh nhân đau thần kinh tọa do chèn ép rễ thần kinh.

Tác dụng phụ của cấy chỉ là gì? Có đau không?

Theo TS.Bs Nguyễn Thị Vân Anh (Nguyên Trưởng khoa nội bệnh viện YHCT Trung ương), cấy chỉ có rất ít tác dụng phụ. Trước đây do kỹ thuật còn hạn chế nên cấy chỉ thường gây đau. Tuy nhiên, hiện nay, các loại kim sử dụng cho cấy chỉ nhỏ hơn, được cải tiến để ít gây đau và chảy máu, hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng.

Bên cạnh một số ít tác dụng phụ, cấy chỉ là phương pháp chống chỉ định nếu bệnh nhân nằm trong các nhóm sau:

  • Bệnh nhân có bệnh lý ngoại khoa, cấp cứu.
  • Người bệnh có tiền sử bị thiếu máu, bệnh tim, không đảm bảo sức khỏe.
  • Người mới lao động nặng, đói, cơ thể mệt mỏi không được cấy chỉ vào thời điểm đó.
  • Người đang bị tăng huyết áp, đang có cơn sốt cao cũng chống chỉ định cấy chỉ ở thời điểm đó.
  • Không áp dụng cho phụ nữ đang mang thai và người có cơ địa dị ứng với chỉ catgut chuyên dụng.

Tác dụng phụ của cấy chỉ là gì? có đau không?

Các trung tâm cấy chỉ trên cả nước

Để đảm bảo sức khỏe của mình, bệnh nhân thực hiện cấy chỉ nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, mức độ an toàn cao khi thực hiện cấy chỉ. Bạn có thể tham khảo một số trung tâm cấy chỉ của các bệnh viện lớn có khoa Y học cổ truyền và các bệnh viện chuyên điều trị theo phương pháp y học cổ truyền như:

  • Bệnh Viện Công An Tp. Hồ Chí Minh – Khoa Y Học Cổ Truyền. Địa chỉ:  số 49 Hải Thượng Lãn Ông, Phường 10, Quận 5, TPHCM.
  • Bệnh Viện Quận 11 – Khoa Y Học Dân Tộc. Địa chỉ số 124 Tạ Uyên, Phường 4, Quận 11, TPHCM.
  • Bệnh Viện Quận 5 – Khoa Đông Y. Địa chỉ số  74 Ngô Quyền, Phường 7, Quận 5, TPHCM.
  • Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TP.HCM. Số 179 – 187 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, TPHCM.
  • Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền – Cơ Sở 2. Địa chỉ: số 218K Trần Hưng Đạo B, Phường 11, Quận 5, TPHCM.
  • Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM. Địa chỉ: Số 273 – 275 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 10, Q.Phú Nhuận, TPHCM.
  • Khoa Ngoại – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Địa chỉ: số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Địa chỉ: số 2 Trần Phú, Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Nội.

Giá tiền cấy chỉ hiện nay là bao nhiêu?

Hiện nay chi phí thực hiện phương pháp cấy chỉ từ 1 – 3 triệu đồng/lần thực hiện.

❢ Bạn nên tham khảo:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*