Hằng năm có khoảng 60% người cao tuổi gặp phải các triệu chứng đau lưng do bệnh xương khớp, trong đó có thoát vị đĩa đệm. Ngày nay, độ tuổi mắc thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết nên làm gì khi bị thoát vị đĩa đệm.
Nên làm gì khi bị thoát vị đĩa đệm?
Một ngày nếu bạn phát hiện ra các triệu chứng đau tay chân, tê hoặc ngứa ran, suy yếu các cơ, vận động bị rối loạn, di chuyển khó khăn, rối loạn cảm giác,… đó có thể là những dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm. Càng can thiệp trễ, các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm sẽ càng nặng hơn, dẫn đến nhiều bệnh biến chứng ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Do đó khi phát hiện các dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
1.Đến bác sĩ để chẩn đoán
Những cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng như đau nhiều hơn khi hắt hơi, ho, các cơ có cảm giác yếu đi. Khi mang vác các vật nặng hoặc di chuyển sẽ tương đối khó khăn. Cơn đau cũng gia tăng khi làm việc, sinh hoạt, giảm dần khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường có xu hướng nặng dần, tần suất cơn đau diễn ra thường xuyên hơn. Nếu có các dấu hiệu này bạn cần đến bác sĩ để chẩn đoán phân biệt thoát vị đĩa đệm với một số bệnh xương khớp khác.
2.Hạn chế vận động, mang vác vật nặng
Vận động khi bị thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là khi mang vác các vật nặng sẽ khiến cho tình trạng đau diễn ra nặng nề hơn. Bạn nên nghỉ ngơi để giảm tình trạng đau cũng như giữ cho tình trạng thoát vị đĩa đệm không tiến triển nặng nề hơn.
3.Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng và stress có thể khiến cho cơn đau trở nên nặng nề hơn. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng cũng có thể khiến cho người bệnh lo lắng thường xuyên, dẫn đến những ảnh hưởng không mong muốn trong quá trình điều trị. Để hạn chế tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, bạn có thể thư giãn bằng cách hít thở sâu, trò chuyện với mọi người để giúp tâm lý được thoải mái hơn.
4.Sử dụng một số loại thuốc
Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc, nhất là các thuốc giảm đau, các loại thuốc giãn cơ để giúp bệnh nhân giảm những cơn đau cấp tính, mãn tính do thoát vị đĩa đệm gây ra.
5.Tiến hành các xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh có thể giúp cho bác sĩ xác định chính xác những tình trạng xảy ra với cột sống và hệ xương khớp của bạn. Thực hiện xét nghiệm hình ảnh có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra đau của bạn và để cho bác sĩ xem chính xác những gì đang xảy ra với xương khớp và đĩa đệm của bạn. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được tiến hành bằng các biện pháp:
- Sử dụng tia X để giúp xác định tình trạng nhiễm trùng, khối u, xương bị gãy, hoặc lệch vị trí của xương khớp và đĩa đệm trong cột sống của bạn. Dựa vào kết quả chụp tia X, bác sĩ có thể xác định rõ được nguyên nhân gây đau, chẩn đoán đúng bệnh và có hướng can thiệp phù hợp. Ngoài ra, dùng X quang cũng giúp bác sĩ biết chính xác khối thoát vị ở khu vực nào đang chèn lên các rễ thần kinh gây đau nhức.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) là giải pháp giúp bác sĩ chẩn đoán được các vấn đề về xương khớp một cách chi tiết và rõ nét. Phương pháp này có thể giúp bác sĩ xác định được chi tiết vị trí đau. So với X – quang, chụp CT – scan cho chất lượng hình ảnh với độ sắc nét cao hơn khá nhiều.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao nhất bởi hình ảnh rất rõ nét, có thể quan sát rõ các cấu trúc phức tạp. Do đó đây là một trong những phương pháp được ưu tiên lựa chọn sử dụng hiện nay. Tuy vậy chi phí cho chụp cộng hưởng từ còn khá cao so với thu nhập của nhiều bệnh nhân hiện nay.
6.Tiến hành điều trị
Hiện nay, điều trị thoát vị đĩa đệm thường tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tiến triển của bệnh. Nếu tình trạng sức khỏe bệnh nhân tốt, những cơn đau chưa nghiêm trọng, chưa có các biến chứng thì có thể được hướng dẫn điều trị bảo tồn bằng vật lí trị liệu, châm cứu, kéo giãn đốt sống, điều trị bằng thuốc. Những trường hợp nặng có thể được điều trị bằng phẫu thuật.
❢ Bạn nên tham khảo:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!