Trang Chủ » Bệnh xương khớp khác » Đau lưng ở tuổi 18 làm sao bẻ gãy sừng trâu?
Đau lưng ở tuổi 18 làm sao bẻ gãy sừng trâu?
Tuổi 18 đôi mươi là độ tuổi sung sức và khỏe mạnh nhất của chúng ta. Tuy nhiên, không ít thanh niên gặp phải tình trạng đau lưng, các biến chứng hủy xương, gãy xương,… Vì sao lại có tình trạng khó tin này? Do đâu tình trạng loãng xương đau xương lại có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Dưới đây là một số lí giải cho vấn đề này.
Cẩn thận đau lưng tuổi 18
Trước đây, các vấn đề về xương khớp, loãng xương được xem là những căn bệnh chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp thanh thiếu niên trong độ tuổi chưa đến 20 gặp phải các dấu hiệu của các bệnh xương khớp như gãy chân, xẹp đốt sống, đau lưng thường xuyên,… Đến khi nhập viện thì được các bác sĩ xác định nguyên nhân do loãng xương thứ phát.

Gần đây, Khoa Nội cơ xương khớp – BV Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân H (Bến Tre), nhập viện trong tình trạng bị biến chứng nghiêm trọng do loãng xương với các biểu hiện như không đi đứng được, vùng lưng có cảm giác đau dữ dội. Sau khi các bác sĩ tiến hành chụp phim, các kết quả cho thấy mật độ xương của bệnh nhân bị loãng. Ngoài ra các đốt sống của bệnh nhân còn có dấu hiệu bị xẹp. Được biết, từ 4 năm nay, bệnh nhân đã có tiền sử mắc bệnh lupus ban đỏ, thuộc nhóm bệnh tự miễn và đã có thời gian lạm dụng các chất kháng viêm (corticoid) kéo dài. Trong thời điểm được phát hiện là loãng xương, H mới 17 tuổi.
Tương tự như trường hợp của H, bệnh nhân V (Đăk Lăk) sinh năm 1997 nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hai chân yếu, có dấu hiệu liệt, không di chuyển được. Sau khi chụp X quang, các bác sĩ phát hiện ra phần cổ xương đùi ở cả hai chân của bệnh nhân bị loãng xương nặng và gãy xương. Sau khi tiến hành một số xét nghiệm liên quan, các bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân bị u tuyến cận giáp. Bệnh này gây ra sự tăng tiết một số hoocmon gây hủy xương và dẫn đến tình trạng loãng xương nặng.
Đau lưng ở tuổi 18, cẩn thận các bệnh nguy hiểm
Thông thường, độ tuổi bắt đầu có dấu hiệu loãng xương là ngoài 40 – 50 tuổi. Theo TS Nguyễn Đình Khoa – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng đau lưng và loãng xương khi tuổi còn quá trẻ là dấu hiệu bất thường và thường do hậu quả của các bệnh lý nguy hiểm như:
- Bất thường trong quá trình chuyển hóa các chất, cơ thể kém hấp thu canxi.
- Các bệnh lý về tuyến giáp như bướu giáp.
- Bệnh lý ở tuyến cận giáp, tuyến vỏ thượng thận.
- Bệnh nhân mắc các bệnh về khớp.
- Bệnh suy thận mãn tính.
- Những bệnh lý liên quan đến nội tiết như tiểu đường.
- Rối loạn do suy giảm nội tiết tố sinh dục.

Phòng tránh đau lưng, loãng xương ở thanh niên như thế nào?
Theo Bác sĩ Mai Văn Thu, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM cho biết khi có các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, không nên cố chịu đựng đến khi tình trạng nặng thì điều trị sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bạn nên chú ý một số thói quen sau:
- Nên tiếp xúc với nắng sớm để cơ thể hấp thu vitamin D một cách tốt nhất, hỗ trợ tích cực cho quá trình tạo xương.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lí, bổ sung đầy đủ các thực phẩm có đạm, mỡ, rau xanh, canxi,… để đảm bảo đủ và đa dạng các chất.
- Người chạy thận nhân tạo, chấn thương phải nằm lâu, viêm xương, đang điều trị bằng một số loại thuốc chống đông máu, thuốc bị tiểu đường,… có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đến tình trạng chuyển hóa, hấp thụ canxi, loãng xương. Do đó bạn cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và tuân theo những chỉ định của bác sĩ.
❢ Thông tin hữu ích dành cho bạn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!