Trang Chủ » Thoát vị đĩa đệm » Biểu hiện lâm sàng của thoát vị đĩa đệm
Biểu hiện lâm sàng của thoát vị đĩa đệm
Khi nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi phạm vi phần bao xơ đĩa đệm, ta gọi đó là tình trạng thoát vị đĩa đệm. Một khi đã mắc thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ gặp phải rất nhiều ảnh hưởng không mong muốn về sức khỏe. Nhận biết các triệu chứng lâm sàng của bệnh là bước đầu trong việc xây dựng hướng điều trị phù hợp.
Phân loại thoát vị đĩa đệm
Phân loại thoát vị đĩa đệm có ý nghĩa rất lớn trong lâm sàng cũng như giúp xây dựng hướng điều trị sau này.
1.Phân loại theo mối liên quan với rễ thần kinh và tủy sống
Rothman và Marvel đã tiến hành chia thoát vị đĩa đệm ra thành 3 loại dựa trên sự liên quan với rễ thần kinh và tủy sống, bao gồm:
- Thoát vị đĩa đệm trung tâm, dạng thoát vị đĩa đệm này thường gây ra các chèn ép lên tủy sống và dẫn đến các bệnh lý về tủy.
- Thoát vị đĩa đệm cạnh trung tâm chèn ép cả tủy và rễ thần kinh, từ đó dẫn đến các bệnh lý về tủy, rễ.
- Thoát vị đĩa đệm cạnh bên gây ra tình trạng chèn ép rễ thần kinh gây ra các bệnh lý rễ, tình trạng này còn gọi là thoát vị lỗ ghép.
2.Phân loại theo liên quan đối với dây chằng dọc sau
Wegeber đã chia thoát vị đĩa đệm thành 2 loại:
- Thoát vị nằm trước dây chằng dọc sau: dây chằng dọc sau chưa bị rách và vẫn còn nguyên vẹn.
- Thoát vị qua dây chằng dọc sau sẽ dẫn đến tình trạng dây chằng dọc sau bị rách. Trường hợp này còn có thể khiến cho khối thoát vị bị chui qua chỗ rách vào ống sống của bệnh nhân.
Biểu hiện lâm sàng của thoát vị đĩa đệm
Chẩn đoán lâm sàng đặc biệt quan trọng trong công tác khám bệnh. Đặc biệt là các bệnh xương khớp.
1.Hoàn cảnh phát bệnh
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đa số đều gặp phải tình trạng đau sau một chấn thương hoặc sau một số động tác gắng sức của cột sống, nhất là các động tác xoắn vặn cột sống.
2.Tiền sử bệnh
Bệnh nhân thường có xu hướng đau thắt lưng tái phát nhiều lần. Tình trạng này thường diễn tiến từ âm ỉ đến những cơn đau nặng dần. Thoát vị đĩa đệm thường trải qua một quãng thời gian phát triển bệnh tương đối lâu dài.
3.Các giai đoạn đau
Thoát vị đĩa đệm thường tiến triển theo 2 giai đoạn chính: giai đoạn đau cấp và giai đoạn chèn ép rễ.
- Giai đoạn đau cấp, bệnh nhân thường xuất hiện cơn đau cấp sau chấn thương hay gắng sức. Tình trạng này thường khiến nhiều bệnh nhân lầm với các cơn đau do căng cơ. Nhưng thực chất, sau mỗi lần đau do gắng sức, vòng sợi của bao xơ đĩa đệm đang có những tổn thương và dần dần chuyển sang phình, lồi đĩa đệm.
- Giai đoạn chèn ép rễ, bệnh nhân có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ, đau tăng lên khi đi đứng, hắt hơn, rặn, đau lan xuống chi dưới khi di chuyển,… khi nằm thì đỡ đau hơn. Giai đoạn này thì vòng sợi đã bắt đầu có dấu hiệu bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy bắt đầu chuyển dịch gây ra chèn ép rễ.
4.Nhận biết các triệu chứng lâm sàng
- Bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đau vùng cột sống thắt lưng hoặc cổ.
- Cơn đau chạy dài theo đường đi của rễ thần kinh, cơn đau có tính chất cơ học hoặc đau tăng lên khi vận động ho, hắt hơi, giảm đau khi nghỉ ngơi.
- Trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có dấu hiệu lâm sàng lệch vẹo cột sống thắt lưng, có dấu hiệu lệch vẹo cột sống thắt lưng, bệnh nhân co cứng cơ cạnh sống, tầm vận động cột sống thắt lưng suy giảm, thăm khám có điểm đau cột sống. Đo chỉ số Schober giảm dưới 13/10, thử khoảng cách ngón tay – mặt đất tăng (bệnh nhân đứng thẳng 2 chân, cúi xuống chạm ngón tay vào mặt đất, người có thoát vị đĩa đệm càng nặng khoảng cách từ ngón tay đến mặt đất càng xa, bệnh nhân đau, không thể cúi sát).
- Người bệnh có hội chứng rễ thần kinh, có điểm đau cạnh sống, điểm đau Valleix dương tính, nghiệm pháp Lasègue dương tính. Bệnh nhân cũng có rối loạn cảm giác, phản xạ, dinh dưỡng, rối loạn vận động tùy theo vị trí rễ từ S1 – L5.
- Trường hợp bệnh nhân tổn thương rễ L5 có điểm đau cột sống L5, đau cạnh sống L4 – L5, thử dấu hiệu “bấm chuông” dương tính, các cơ gấp bàn chân về phía mu chân yếu đi. Bệnh nhân có dấu hiệu yếu cơ duỗi các ngón chân, mu bàn chân đến ngón 1, ngón 2, teo cơ trước ngoài cẳng chân tăng lên. Bệnh nhân không có rối loạn phản xạ gân xương.
- Trường hợp bệnh nhân tổn thương rễ S1 có điểm đau cột sống S1, điểm đau cạnh sống L5 – S1, dấu hiệu “chuông bấm” dương tính, nhóm cơ dép yếu không gấp bàn chân về phía gan chân được.
Trên đây là một số biểu hiện lâm sàng của thoát vị đĩa đệm. Thăm khám và phát hiện sớm các dấu hiệu lâm sàng sẽ giúp bác sĩ điều trị có hướng điều trị phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của bạn. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.
❢ Thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!