Bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa được không, bằng cách nào?
Chào chuyên mục. Gần nhà em có nhiều bác lão niên, tầm 50, 60 tuổi bị thoát vị đĩa đệm. Có bác em thấy chỉ uống thuốc, tập thể dục vẫn làm được công việc nhà và đi đứng bình thường, có bác em thấy đi không nổi, phải có người dìu mới đi được. Em muốn hỏi là nếu bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa được không? Nếu được thì chữa bằng cách nào? Bố mẹ em năm nay cũng ngoài 50 nên em cũng khá lo lắng. Mong chuyên mục tư vấn giúp em về vấn đề này. Em xin cảm ơn.
(Huy Vũ, Long An)

Bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa được không?
Chào bạn
Có thể khẳng định thoát vị đĩa đệm là bệnh có thể chữa được. Đây là bệnh lý có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Người bệnh có thể mắc thoát vị đĩa đệm do các nguyên nhân như:
- Làm việc sai tư thế.
- Mang vác nặng dẫn đến sự suy yếu hệ cơ xương khớp, dây chằng,…
- Sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp khác.
- Cuối cùng là yếu tố hỗn hợp, kết hợp nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.
Tình trạng thoát vị đĩa đệm ở mỗi bệnh nhân là hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc mức độ diễn tiến của bệnh mà dấu hiệu đau có thể khác nhau. Nếu như bệnh nhân có tình trạng thoát vị đĩa đệm nặng bao xơ đĩa đệm đã rách, đĩa đệm bị vỡ, mảnh vỡ rơi vào ống sống, phần nhân nhầy đĩa đệm chèn ép lên rễ thần kinh cột sống thì đó là những trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng. Thoát vị đĩa đệm nặng sẽ gây ra rất nhiều vấn đề trong sinh hoạt, cuộc sống như:
- Ảnh hưởng lớn đến vận động, sinh hoạt, làm việc của người bệnh.
- Gây ra rối loạn vận động. Teo cơ do rối loạn vận động lâu ngày.
- Rối loạn cảm giác ở bệnh nhân.
- Mất kiểm soát các cơ.
- Hội chứng đuôi ngựa.
- Về lâu dài có thể dẫn đến liệt một phần cơ thể.
Nhận biết nhanh thoát vị đĩa đệm
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm thường có một số dấu hiệu điển hình để nhận biết. Nếu nghi ngờ mình hoặc người thân mắc thoát vị đĩa đệm, bạn cần đặc biệt chú ý các triệu chứng như:
- Xuất hiện tình trạng đau lưng (hoặc đau cổ vai gáy) trong sinh hoạt, vận động hằng ngày. Cơn đau lưng giảm khi nằm nghiêng và tăng khi ho hoặc đại tiện.
- Khi ấn hoặc gõ vào khoảng giữa đốt sống có cảm giác đau.
- Bệnh nếu tiến triển nặng dần sẽ dẫn đến các cơn đau quanh khu vực thoát vị đĩa đệm. Nếu là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ sẽ có cơn đau lan vùng cổ vai gáy. Nếu là thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng sẽ dẫn đến những cơn đau lan mông, đùi, chân,…
- Bệnh nhân không còn khả năng ưỡn thắt lưng, đường cong sinh lý không bình thường.
- Người bệnh thoát vị đĩa đệm cũng không thể cúi sâu, không chạm được tay vào ngón chân khi đứng thẳng. Khoảng cách giữa ngón tay và mặt đất khi cúi người thả lỏng lớn hơn 50 cm.
Cách điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay
Hiện nay bệnh nhân có thể được điều trị thoát vị đĩa đệm bằng một số phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi trên nền cứng, không nằm võng hoặc sofa,
- Bó bột, làm nóng tại chỗ bằng chiếu tia, xoa bóp.
- Sử dụng một số loại thuốc giảm đau hoặc tiêm corticoid tại chỗ.
- Sử dụng phương pháp kéo nắn cột sống giúp đẩy đĩa đệm về vị trí cũ.
- Bệnh nhân sau khi điều trị qua giai đoạn cấp, cần tránh những động tác quá sức lên cột sống như mang vác nặng, cúi gập người, đứng ngồi lâu,..
- Khi có thoát vị đĩa đệm nặng, điều trị bảo tồn và phục hồi chức năng trong vòng 3 tháng mà không mang lại kết quả có thể được chỉ định phẫu thuật.
Trên đây là một số lưu ý bạn cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm, cách nhận biết nhanh dấu hiệu bệnh và những hướng điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay. Nhận biết sớm thoát vị đĩa đệm vẫn được xem là tiêu chí hàng đầu trong điều trị bởi giúp việc điều trị nhanh chóng hơn, ít tốn kém cũng như rủi ro thấp. Càng tiến triển nặng bệnh càng khó điều trị và gây ra nhiều rủi ro hơn cho sức khỏe bệnh nhân.
❢ Bạn nên tham khảo:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!